FCA logo

Mất trí, Bệnh này có nghĩa là gà? (Dementia: Is this Dementia and What Does it Mean?)

Quý vị nghĩ gì khi nghe tin ai đó mắc bệnh sa sút trí tuệ?

Đối với nhiều người, thuật ngữ này khiến họ có những liên tưởng đáng sợ.

Trên thực tế, bệnh sa sút trí tuệ là một nhóm các triệu chứng gây thay đổi cá tính hoặc hành vi bất thường. Các triệu chứng này có thể bao gồm:

  • mất trí nhớ ngắn hạn
  • bối rối
  • không có khả năng giải quyết vấn đề
  • không có khả năng hoàn thành các hoạt động nhiều bước (chuẩn bị bữa ăn hoặc cân bằng sổ tài khoản)

Người ta cho rằng một người mắc bệnh sa sút trí tuệ có thể nhận ra những thay đổi ở bản thân, nhưng không ai nói gì về lý do tại sao họ có những triệu chứng này. Nguyên nhân không được giải thích.

Trí nhớ và quá trình lão hóa

Có phải bất cứ mất trí nhớ nào cũng là dấu hiệu của bệnh sa sút trí tuệ không? Mất trí nhớ không phải là một việc bình thường của quá trình lão hóa — là điều mà tất cả chúng ta nên mong đợi hay sao?

Có thể khó chấp nhận những thay đổi về trí nhớ ở một người bạn hoặc thành viên trong gia đình. Không có gì lạ khi khẳng định đó là một phần bình thường của quá trình lão hóa như một cách để giảm thiểu những gì có thể có ý nghĩa đối với gia đình của quý vị. Trên thực tế, chúng ta biết rằng mất trí nhớ nghiêm trọng không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa, và không ai trong chúng ta nên phớt lờ hoặc coi thường nó.

Đối với một số người trong chúng ta, xu hướng có thể theo hướng cực đoan khác — đi đến kết luận rằng bạn bè hoặc thành viên trong gia đình mắc bệnh Alzheimer. Đôi khi (nhưng không phải luôn luôn), đó là bệnh Alzheimer.

Nhưng một số bệnh lý khác cũng có các triệu chứng giống như bệnh này. Chúng cũng gây ra các vấn đề về trí nhớ và nhận thức, cản trở các hoạt động hàng ngày. Một số ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi cũng như người lớn tuổi.

Một số có thể hồi phục, một số khác không thể

Một số tình trạng nhất định có thể gây ra bệnh sa sút trí tuệ có thể hồi phục. Tương tác thuốc, trầm cảm, thiếu sinh tố bổ dưỡng và các bất thường về tuyến giáp, tất cả đều có thể gây ra các cơn sa sút trí tuệ hoặc tình trạng nói sảng. May mắn thay là với việc phát hiện sớm, một phương pháp điều trị thích hợp có thể thực sự hồi phục những trường hợp này.

Bệnh sa sút trí tuệ không thể hồi phục là bệnh về thoái hóa và Alzheimer là bệnh phổ biến nhất. Các bệnh sa sút trí tuệ thoái hóa khác có thể giống bệnh Alzheimer, nhưng chúng có những đặc điểm riêng cần được chú ý đặc biệt và có nhiều phương pháp điều trị.

Với nhiều nguyên nhân gây ra bệnh sa sút trí tuệ — và phương pháp điều trị tương ứng của mỗi người — chúng ta có thể hiểu tại sao chẩn đoán rõ ràng và kịp thời là rất quan trọng.

Bệnh sa sút trí tuệ được chẩn đoán như thế nào?

Việc chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ đòi hỏi một sự đánh giá đầy đủ về y tế và tâm lý thần kinh. Việc đầu tiên của quá trình là xác định xem người đó có vấn đề gì về nhận thức hay không và mức độ nghiêm trọng của nó. Sau khi chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân, bác sĩ có thể đề nghị phương pháp điều trị. Và bệnh nhân và người chăm sóc có thể lập kế hoạch cho tương lai.

Việc đánh giá y tế cho bệnh sa sút trí tuệ thường gồm nhiều phần.

  1. Duyệt lại tiền sử hoặc sự khởi đầu của các triệu chứng

Bác sĩ lâm sàng có thể hỏi qíu vị hoặc người mà quý vị chăm sóc các câu hỏi như:

  • Quý vị đã quan sát hoặc phát hiện được những vấn đề gì?
  • Những thay đổi này diễn ra theo thứ tự nào?
  • Các triệu chứng đã xuất hiện trong bao lâu?
  • Điều này ảnh hưởng như thế nào đến khả năng hoạt động của người đó trong cuộc sống hàng ngày?

Bệnh nhân có thể không nhớ được chuỗi sự kiện hoặc mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Đó là lý do tại sao người chăm sóc hoặc ai đó biết bệnh nhân phải đi cùng và cung cấp thông tin này cho nhóm chăm sóc.

2. Bệnh sử và thuốc

Chi tiết về bệnh sử có thể xác định nguy cơ gia tăng đối với một loại bệnh sa sút trí tuệ cụ thể. Việc xem lại các loại thuốc giúp bác sĩ đánh dấu các loại thuốc cụ thể hoặc tương tác thuốc có thể góp phần gây ra các vấn đề về nhận thức. Một lần nữa, điều quan trọng là người có thể cung cấp chính xác thông tin này phải ở bên bệnh nhân trong cuộc hẹn.

3. Thăm khám thần kinh

Thăm khám thần kinh để tìm các triệu chứng có thể chỉ ra các loại bệnh sa sút trí tuệ đặc thù hoặc các tình trạng khác, chẳng hạn như đột quỵ hoặc bệnh Parkinson, có nguy cơ gia tăng các vấn đề về nhận thức.

4. Xét nghiệm trong phòng thí nghiệm

Bác sĩ của quý vị sẽ muốn loại trừ khả năng thiếu chất bổ dưỡng, bệnh lây nhiễm hoặc mất cân bằng kích thích tố– tất cả điều này đều có thể gây ra các triệu chứng về nhận thức. Ví dụ về các triệu chứng này bao gồm:

  • Mất cân bằng tuyến giáp
  • Thiếu sinh tố B12
  • Bệnh giang mai

Các tình trạng mãn tính phổ biến như cao mỡ trong máu và cao huyết áp khiến một người có nguy cơ phát triển thành bệnh sa sút trí tuệ. Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm khác trong phòng thí nghiệm để truy tầm nguy cơ này.

5. Chụp hình ảnh não bộ

Chụp CT (Chụp cắt lớp vi tính) hoặc MRI (chụp cộng hưởng từ) đánh giá cấu trúc của não bộ để truy tầm các tình trạng có thể gây ra thay đổi nhận thức, chẳng hạn như khối u não hoặc đột quỵ. Các xét nghiệm hình ảnh cũng có thể đóng vai trò là điểm khởi đầu hoặc tham chiếu lịch sử về kích thước não và những thay đổi của mạch máu được theo dõi theo thời gian.

6. Kiểm tra tình trạng tâm thần

Còn được gọi là kiểm tra tâm lý thần kinh, các bảng câu hỏi kiểm tra làm trên giấy và bằng bút chì này kiểm tra nhiều lĩnh vực nhận thức:

  • Trí nhớ
  • Ngôn ngữ
  • Giải quyết vấn đề
  • Phán đoán

Nhóm chăm sóc so sánh kết quả kiểm tra với kết quả của những bệnh nhân có cùng độ tuổi, trình độ học vấn và chủng tộc. Điều đó giúp xác định tần suất tương đối và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề đã trải qua.

Chẩn đoán hướng dẫn phương pháp điều trị

Quá trình chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ đã trở nên chính xác hơn trong những năm gần đây. Các chuyên gia phân tích dữ liệu thu thập được và xác định xem liệu có vấn đề gì không, mức độ tiến triển của nó và thường là nguyên nhân của bệnh sa sút trí tuệ.

Cho dù nguyên nhân là một tình trạng có thể hồi phục hoặc không hồi phục sẽ hướng dẫn kế hoạch điều trị và chăm sóc cho bạn bè hoặc thành viên trong gia đình của bạn.

Việc chẩn đoán rõ ràng là thiết yếu.

Bệnh sa sút trí tuệ có thể hồi phục là gì?

Ở người cao niên, nhiều loại bệnh và rối loạn có thể khiến chức năng nhận thức suy giảm. Một bệnh hoặc phản ứng với thuốc có thể gây ra sự thay đổi tình trạng tâm thần. Đôi khi điều này được gọi là “bệnh mất trí nhớ giả.” Việc đánh giá y tế có thể xác định xem bệnh sa sút trí tuệ có thể hồi phục hoặc điều trị được hay không.

Các điều kiện và hoàn cảnh có thể gây ra các triệu chứng sa sút trí tuệ có thể hồi phục:

Phản ứng với thuốc

  • Một lý do phổ biến khiến người cao niên gặp các triệu chứng giống như bệnh sa sút trí tuệ là phản ứng có trái ngược của thuốc.
  • Bác sĩ nên theo dõi tất cả các loại thuốc, thuốc cần toa, thuốc không cần toa bác sĩ và chất bổ sung dược thảo để giảm các phản ứng phụ có thể xảy ra.

Bất thường nội tiết

  • Mức độ tuyến giáp thấp hoặc cao, rối loạn tuyến cận giáp hoặc bất thường tuyến thượng thận, tất cả đều có thể gây ra nhầm lẫn giống như bệnh sa sút trí tuệ.

Rối loạn trao đổi chất

  • Suy thận và gan, mất cân bằng điện giải (mức độ hóa học trong máu), lượng đường trong máu thấp (đường thấp), lượng chất vôi trong máu cao (cao vôi), và các bệnh về gan và tuyến tụy — tất cả đều có thể gây nhầm lẫn và thay đổi cảm giác thèm ăn, ngủ và cảm xúc.

Nỗi đau tinh thần

  • Trầm cảm hoặc những thay đổi lớn trong cuộc sống như nghỉ hưu, ly hôn hoặc mất bạn bè hoặc thành viên trong gia đình có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của một người.
  • Điều quan trọng là phải thông báo cho bác sĩ về những sự kiện lớn trong cuộc sống có thể gây ra căng thẳng.

Thị giác và thính giác

  • Các vấn đề về thị giác hoặc thính giác chưa được phát hiện có thể dẫn đến các phản ứng không phù hợp — và có thể bị hiểu sai.
  • Nhóm chăm sóc nên thực hiện thăm khám thính giác và thị giác để xác định bất kỳ vấn đề nào.

Bệnh lây nhiễm

  • Nhầm lẫn có thể là một triệu chứng của một bệnh lây nhiễm.
  • Kể ra bất kỳ dấu hiệu nhầm lẫn nào để bác sĩ chú ý.

Thiếu dinh dưỡng

  • Thiếu sinh tố B (folate, niacin, riboflavin và thiamine) có thể gây suy giảm nhận thức.

Bệnh sa sút trí tuệ thoái hóa hoặc không thể hồi phục là gì?

Nếu chẩn đoán loại trừ bệnh sa sút trí tuệ có thể hồi phục và nhóm chăm sóc xác định rằng người đó mắc bệnh sa sút trí tuệ thoái hóa hoặc không thể hồi phục, thì điều quan trọng là gia đình và nhân viên y tế phải tìm nguyên nhân của vấn đề.

Điều này giúp đảm bảo người bị mắc bệnh được chăm sóc y tế phù hợp. Nó cũng cho phép các gia đình lập kế hoạch chăm sóc và tìm kiếm hỗ trợ và nguồn tài nguyên.

Dưới đây là những bệnh sa sút trí tuệ thoái hóa phổ biến nhất:

Bệnh Alzheimer

  • Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh sa sút trí tuệ ở những người trên 65 tuổi, mặc dù những người trẻ tuổi hơn nhiều cũng mắc bệnh này. Bệnh Alzheimer ảnh hưởng đến khoảng 35% những người trên 85 tuổi.
  • Hiện tại, các nhà nghiên cứu không thể nói chắc chắn nguyên nhân gây bệnh và không có cách chữa trị.
  • Các triệu chứng khác nhau ở mỗi người, nhưng suy giảm trí nhớ, tư duy và khả năng hoạt động tiến triển trong một khoảng thời gian dài, kết thúc với sự mất chức năng nghiêm trọng.

Bệnh sa sút trí tuệ mạch máu do thiếu máu cục bộ (Ischemic vascular dementia, IVD)

  • IVD là bệnh sa sút trí tuệ phổ biến thứ hai.
  • Bệnh này có đặc điểm mất chức năng đột ngột hoặc làm chậm lại khả năng nhận thức chung gây trở ngại cho “chức năng điều hành”, chẳng hạn như lập kế hoạch và hoàn thành nhiệm vụ.
  • Khi các triệu chứng xuất hiện đột ngột, người đó thường đã bị đột quỵ.
  • Đối với những người khác, tình trạng phát triển chậm với sự mất dần chức năng và/hoặc tư duy.

Bệnh sa sút trí tuệ thể Lewy (Dementia with Lewy bodies, DLB)

  • Bệnh sa sút trí tuệ thể Lewy là một bệnh thoái hóa tiến triển.
  • Nó có các triệu chứng giống với bệnh Alzheimer và Parkinson.
  • Những người bị mắc bệnh này có các triệu chứng về hành vi và trí nhớ có thể thay đổi bất thường, cũng như các vấn đề về vận động thường thấy ở bệnh Parkinson.
  • Các triệu chứng phổ biến bao gồm rối loạn giấc ngủ trong giai đoạn ngủ Chuyển Động Mắt Nhanh (Rapid Eyes Movement, REM) và ảo tưởng.

Bệnh sa sút trí tuệ tiền đình thái dương (Frontotemporal dementia, FTD)

  • FTD là tình trạng thoái hóa của phần phía trước (phía trước) của não, đôi khi có thể nhìn thấy trên phim chụp cắt lớp não.
  • Các thùy thái dương phía trước và phần trước của não kiểm soát lý trí, tính cách, chuyển động, lời nói, ngôn ngữ, niềm vui xã hội và một số khía cạnh của trí nhớ. Các triệu chứng có thể dẫn đến chẩn đoán nhầm cho là một vấn đề liên quan đến tâm lý hoặc cảm xúc.
  • FTD thường xảy ra sau 40 tuổi và trước 65 tuổi.
  • Các triệu chứng xuất hiện theo hai cách có vẻ trái ngược nhau: Một số người hoạt động quá mức, bồn chồn, mất tập trung và suy nhược (cho thấy khả năng phán đoán xã hội kém); một số người khác trở nên thờ ơ, ít tương tác và có phạm vi giới hạn về cảm xúc.

Bệnh Creutzfeldt-Jakob

  • Bệnh Creutzfeldt-Jakob (CJD hoặc bệnh Jakob-Creutzfeldt) là một bệnh não tiến triển nhanh, gây tử vong.
  • Đây là một phần của nhóm bệnh, được gọi là bệnh não thể xốp có thể truyền nhiễm, do một tác nhân được gọi là prion (“pree-on”) gây ra.
  • Tình trạng này có thể rất khó chẩn đoán vì nó có nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm thay đổi hành vi, thay đổi vận động, thay đổi nhận thức và thay đổi chung về sức khỏe như khó ngủ, chán ăn và đau đầu.

Bệnh sa sút trí tuệ bệnh Parkinson

  • “Bệnh Parkinson” là tên gọi để chỉ một tập hợp các triệu chứng bao gồm run, cứng khớp, cử động chậm chạp và dáng đi không vững.
  • Nhiều rối loạn thần kinh có đặc điểm của bệnh Parkinson, bao gồm một số bệnh sa sút trí tuệ.
  • Khi bệnh Parkinson xảy ra mà không có bất kỳ sự bất thường nào khác về thần kinh và không có nguyên nhân dễ nhận biết, rối loạn này được gọi là bệnh Parkinson theo tên một bác sĩ người Anh lần đầu tiên mô tả bệnh này vào năm 1817.

Bệnh bại liệt tiến triển (Progressive supranuclear palsy, PSP)

  • Những người bị PSP thường thấy sự xuất hiện của một nhóm ba triệu chứng: Dần dần mất thăng bằng và đi lại khó khăn; mất kiểm soát các cử động tự nhiên của mắt; và sa sút trí tuệ.
  • Mặc dù các chuyên gia coi ba triệu chứng này là dấu hiệu của PSP, nhưng bệnh nhân mắc rối loạn này cũng gặp phải các triệu chứng khác thường gặp đối với các bệnh thoái hóa não. Các triệu chứng này bao gồm khó cử động, nói và nuốt, cũng như những thay đổi về hành vi.
  • PSP thường bị chẩn đoán nhầm là bệnh Parkinson, một phần vì nó tương đối hiếm. Tuy nhiên đáp ứng phương pháp điều trị và các triệu chứng lâm sàng là khác nhau, vì vậy chẩn đoán chính xác là rất quan trọng.

Não úng thủy áp lực bình thường (Normal pressure hydrocephalus, NPH)

  • Dáng đi không ổn định, mất kiểm soát sự đi tiểu và sa sút trí tuệ là những dấu hiệu và triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân bị NPH.
  • Được coi là một nguyên nhân hiếm gặp của bệnh sa sút trí tuệ, bệnh này ảnh hưởng đến những người trên 60 tuổi.
  • Tỷ lệ chính xác của NPH rất khó xác định, bởi vì tình trạng bệnh không có định nghĩa chính thức và thống nhất.
  • Một số bác sĩ dựa trên chẩn đoán bằng chứng chụp X quang (chẳng hạn như CT hoặc MRI); các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác dựa vào các dấu hiệu lâm sàng nhiều hơn. Còn một số người khác sử dụng kết hợp các dấu hiệu và triệu chứng mà họ cho là đáng tin cậy.
  • Theo truyền thống, phương pháp điều trị là giải phẫu cấy ghép ống dẫn lưu để giảm áp lực do sự tích tụ của dịch não tủy gây ra.

Bệnh Huntington (Huntington’s disease, HD)

  • Bệnh Huntington là một rối loạn gây tử vong có đặc điểm là các cử động không tự chủ (múa giật) và suy giảm nhận thức (sa sút trí tuệ).
  • Bệnh này do đột biến gen có thể di truyền trong gia đình gây ra.
  • HD là bệnh có các đặc điểm nặng về thần kinh và tâm thần ảnh hưởng đến các cấu trúc sâu bên trong não — đặc biệt là hạch nền, chịu trách nhiệm vận động và phối hợp. Các cấu trúc chịu trách nhiệm về tư duy, nhận thức và trí nhớ cũng bị ảnh hưởng. Điều này có thể do các mối liên hệ từ hạch nền đến thùy trán của não.
  • Kết quả là, bệnh nhân có thể có các cử động mất kiểm soát (chẳng hạn như vặn và xoay người), mất các khả năng trí tuệ, và rối loạn cảm xúc và hành vi.

Bệnh sa sút trí tuệ hỗn hợp

  • Đôi khi, hai trong số các tình trạng này có thể chồng chéo lên nhau. Điều này thường thấy ở bệnh Alzheimer và bệnh sa sút trí tuệ mạch máu, cũng như ở bệnh Alzheimer và bệnh sa sút trí tuệ thể Lewy.

Phương pháp điều trị y tế bệnh sa sút trí tuệ

Không có phương pháp nào chữa trị bệnh sa sút trí tuệ thoái hóa hoặc không thể hồi phục. Vì lý do đó, các phương pháp điều trị y tế tập trung vào việc tối đa hóa khả năng nhận thức và chức năng của cá nhân.

Các phương pháp điều trị cụ thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân của bệnh sa sút trí tuệ:

  • Đối với bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer và bệnh thể Lewy, có sẵn các loại thuốc được gọi là chất ức chế cholinesterase. Thuốc này có thể tạm thời cải thiện các triệu chứng bằng cách tăng cường các hóa chất liên quan đến trí nhớ và phán đoán. Một loại thuốc khác là memantine, có thể tạm thời cải thiện các triệu chứng bằng cách giảm hoạt động bất thường trong não. Các loại thuốc mới đang được triển khai và nghiên cứu có thể được chấp thuận bởi  FDA. Chúng có thể bị hạn chế để xử dụng với những người ở giai đoạn đầu của chứng mất trí nhớ hoặc chỉ dành cho những người được tham gia thử nghiệm lâm sàng. Các nhà thần kinh học có thể giúp xác định xem những điều này có phù hợp để xử dụng hay không và đánh giá các rủi ro cũng như lợi ích.
  • Phương pháp điều trị bệnh sa sút trí tuệ mạch máu tập trung vào việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao và cao mỡ trong máu.
  • Trước khi bác sĩ cân nhắc cho toa các loại thuốc khác để kiểm soát các triệu chứng (ví dụ: rối loạn giấc ngủ, các vấn đề về vận động, trầm cảm hoặc kích động), họ cần phải thảo luận cẩn thận về rủi ro và lợi ích với bệnh nhân, người chăm sóc và gia đình. Hơn nữa, can thiệp hành vi và can thiệp không dùng thuốc men nên được thử trước.
  • Các phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. Tùy thuộc vào loại sa sút trí tuệ, một số loại thuốc được khuyên không nên dùng – và thực sự có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn. Vì những lý do này, việc chẩn đoán chính xác là rất quan trọng.

Nghiên cứu về các nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh sa sút trí tuệ tiếp tục ở tốc độ nhanh chóng. Tất cả chúng ta đều mong đợi những phát triển mới mà một ngày nào đó có thể làm trì hoãn, chữa khỏi hoặc thậm chí ngăn ngừa những rối loạn suy nhược này.

Giao Tiếp về Bệnh Sa Sút Trí Tuệ với Các Nhà Cung Cấp Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe

Giao tiếp tốt với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc chính hoặc bác sĩ thần kinh ảnh hưởng đến sức khỏe của người mắc bệnh sa sút trí tuệ cũng như người chăm sóc.

Thông báo mối quan tâm của quý vị và mô tả những thay đổi bạn đã quan sát được sẽ hướng dẫn nhà cung cấp điều tra. Trong một số trường hợp, quý vị có thể thấy chính mình “thông báo” cho nhân viên y tế về các triệu chứng của người quý vị chăm sóc.

Điều quan trọng là các mối quan tâm của quý vị được chấp nhận một cách nghiêm túc và quý vị được đối xử với sự kính trọng và lễ độ.

Nếu quý vi không nhận được sự quan tâm mà bạn cảm thấy cần thiết, hãy trao đổi mối quan tâm của quý vị với người cung cấp. Hãy yêu cầu được giới thiệu đến một nguồn tài nguyên trong cộng đồng chuyên đánh giá những người gặp vấn đề nhận thức. Mục tiêu là để thiết lập mối quan hệ hợp tác nhằm duy trì chất lượng sức khỏe của người mắc bệnh sa sút trí tuệ và giải quyết các vấn đề phát sinh. Để biết thêm thông tin, xin tham khảo “Lộ Trình Hướng Tới Trao Đổi Thông Tin Hiệu Quả cho Nhà Cung Cấp Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe và Người Chăm Sóc”(“Pathways to Effective Communication for Healthcare Providers and Caregivers”) của Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình (Family Caregiver Alliance, FCA).

Vai trò của người chăm sóc chính xác là gì?

Kết nối với nhóm chăm sóc

Thiết lập mối quan hệ làm việc tốt với bác sĩ chăm sóc chính. Điều này giúp đảm bảo việc chăm sóc tốt và hỗ trợ liên tục.

Có mặt trong quá trình kiểm tra y tế toàn diện để loại trừ các tình trạng có thể điều trị được và cung cấp thông tin về tình trạng hiện tại. Làm như vậy sẽ tạo nền tảng cho việc lập kế hoạch chăm sóc cho hiện tại và trong tương lai.

Mở rộng kiến thức và kỹ năng

Một chẩn đoán chính xác bắt đầu một quá trình giáo dục cho những người chăm sóc và gia đình để có thể đáp ứng các nhu cầu và các nguồn tài nguyên được xác định và sử dụng. Bệnh sa sút trí tuệ không thể hồi phục cần tăng mức độ chăm sóc khi bệnh tiến triển. Thông qua giáo dục và sử dụng các nguồn tài nguyên sẵn có, các gia đình có thể học các kỹ năng mới để đối phó với các các nhu cầu chăm sóc luôn thay đổi.

Sửa đổi để nhà ở được an toàn, học các kỹ thuật quản lý hành vi và giải quyết các vấn đề pháp lý và tài chính là những bước quan trọng mà gia đình có thể thực hiện để kiểm soát bệnh sa sút trí tuệ và có sẵn các nguồn tài nguyên để giúp đỡ. Nhiều nhóm hỗ trợ người chăm sóc—bao gồm một số nhóm qua mạng—cung cấp hỗ trợ tinh thần và thực dụng. Những người chăm sóc có thể cần phải tự tìm hiểu về chăm sóc dài hạn và tiếp cận với cộng đồng của họ để tìm sự trợ giúp khi cần. Danh sách các tài nguyên dưới đây cung cấp thêm thông tin về nơi bắt đầu tìm kiếm trợ giúp.

Các vấn đề gia đình và quyết định

Mỗi gia đình là khác nhau. Bất kể việc chăm sóc người mắc bệnh sa sút trí tuệ được cung cấp tại nhà, tại trung tâm hỗ trợ sinh hoạt, ở bộ phận chăm sóc đặc biệt dành cho người bệnh Alzheimer hay trong viện dưỡng lão đều tùy thuộc vào nguồn tài nguyên gia đình và nhu cầu của bệnh nhân. Mặc dù việc đưa vào viện chăm sóc không phải là hiếm ở các giai đoạn sau của bệnh sa sút trí tuệ, nhưng mỗi gia đình tiếp cận trải nghiệm chăm sóc theo cách tốt nhất cho họ.

Nhiều gia đình chăm sóc người mắc bệnh sa sút trí tuệ tại nhà. Mặc dù đây có thể là một trải nghiệm phong phú và bổ ích, nhưng nó cũng có thể gây căng thẳng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc chăm sóc người bị rối loạn suy giảm trí não có thể gây căng thẳng hơn so với chăm sóc người bị suy giảm về thể chất. Điều cần thiết là người chăm sóc cần dành thời gian để chăm sóc cho chính bản thân về thể chất và về tinh thần.

Chăm sóc cho người chăm sóc

Hỗ trợ và giúp đỡ là rất quan trọng trải qua nhiều năm tháng quý vị là người chăm sóc. Thỉnh thoảng, quý vị sẽ cần thời gian nghỉ ngơi—tạm nghỉ ngơi từ các đòi hỏi của sự chăm sóc. Sự giúp đỡ từ bạn bè, các thành viên khác trong gia đình hoặc các tổ chức cộng đồng là vô giá để bạn có thể tiếp tục chăm sóc tốt mà không trở nên kiệt quệ, thất vọng hoặc nói một cách đơn giản là quá kiệt sức.

Điều này là quá sức. Có sẵn các nguồn trợ giúp không?

Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình
Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia 
(415) 434-3388 | (800) 445-8106
Trang web: www.caregiver.org/vietnamese
Email: info@caregiver.org
Hành Trình Chăm Sóc của FCA: www.fca.cacrc.org
Dịch Vụ Người Chăm Sóc của Tiểu Bang: https://www.caregiver.org/connecting-caregivers/services-by-state/

Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình (FCA) tìm cách cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người chăm sóc thông qua giáo dục, dịch vụ, nghiên cứu và vận động ủng hộ. Thông qua Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia, FCA cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, chính sách công và những vấn đề về chăm sóc hiện tại, đồng thời hỗ trợ phát triển các chương trình công và tư dành cho người chăm sóc. Đối với những cư dân ở Vùng Vịnh San Francisco mở rộng, FCA cung cấp các dịch vụ hỗ trợ gia đình trực tiếp cho những người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer, đột quỵ, ALS, chấn thương đầu, Parkinson và mắc các bệnh rối loạn não suy nhược khác gây tổn thương cho người trưởng thành.

Các Tổ Chức và Đường Dẫn Khác

Kiểm Tra Quyền Lợi
www.benefitscheckup.org

Bộ Định Vị Chăm Sóc Người Cao Niên
https://www.eldercare.acl.gov

Mạng Lưới Hành Động của Người Chăm Sóc
https://www.caregiveraction.org/

ADEAR (Trung Tâm Giới Thiệu & Giáo Dục Bệnh Alzheimer)
www.nia.nih.gov/alzheimers

Hiệp Hội Bệnh Alzheimer
www.alz.org

Thông tin này do Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình (Family Caregiver Alliance) biên soạn và Trish Doherty (http;//www.trishdoherty.net). Các nguồn cho thông tin này bao gồm Trung tâm Giới Thiệu và Giáo Dục Bệnh Alzheimer của Viện Y Tế Quốc Gia. (https://www.rarediseases.org), Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Bệnh (https://www.cdc.gov/aging/dementia/index.html), Hiệp Hội Bệnh Alzheimer (https://www.alz.org). Do Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình qua sự hợp tác của Jean Coleman, R.N.,MWi.S.; CaroleBibeau,R.N., M.S.; Cynthia Barton, RN, M.S.; Jennifer Merrilees, RN, M.S., and Helen Davies, RN, M.S.. Được duyệt bởi William Jagust, M.D. ©2021 Family Caregiver Alliance. Bảo lưu mọi quyền.