FCA logo

Hướng dẫn dành cho Người chăm sóc về Thuốc điều trị và Sự lão hóa (Caregiver’s Guide to Medications and Aging)

Thuốc: Con Dao Hai Lưỡi 

“Chúng tôi sẽ coi bất kỳ triệu chứng nào ở bệnh nhân cao tuổi là do tác dụng phụ của thuốc cho đến khi được chứng minh ở phương diện khác.” 

Đại học Brown, Thông điệp về chất lượng chăm sóc dài hạn , 1995 

Các loại thuốc mới đã góp phần kéo dài tuổi thọ, nâng cao sức khỏe và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của chúng ta. Thuốc là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho nhiều bệnh thường gặp ở người già và người ốm yếu. Các loại thuốc bây giờ không chỉ điều trị và chữa các bệnh không thể điều trị được chỉ vài năm trước đây mà chúng còn giúp chẩn đoán sớm bệnh; ngăn ngừa các bệnh đe dọa đến tính mạng; giảm đau; và cho phép những người mắc bệnh nan y sống thoải mái hơn trong những ngày cuối đời. 

Tuy nhiên, đối với người lớn tuổi và người ốm yếu, việc sử dụng thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, chất kích thích như rượu, và các phương thuốc thảo dược/thuốc thay thế đều có thể là con dao hai lưỡi. Nếu bệnh nhân không sử dụng đúng cách, hiệu quả và an toàn, thuốc có thể gây ra hậu quả khôn lường. 

Bệnh nhân dễ gặp phải các vấn đề liên quan đến thuốc (MRP) do có những thay đổi xảy ra với việc lão hóa và tác động lên những khiếm khuyết. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng các vấn đề liên quan đến thuốc thường có thể phòng ngừa được. Người chăm sóc có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp xác định thời điểm thực tế hoặc nguy cơ xảy ra MRP. Sự trợ giúp này có thể giúp phòng trừ những phản ứng không mong muốn, xảy ra tiêu cực và gây  tốn kém của việc sử dụng thuốc, chẳng hạn như việc phải nhập viện vào các bệnh viện chăm sóc cấp tính, các nhà tình thương hoặc viện dưỡng lão. Khoảng một phần tư trong tổng số các trường hợp nhập viện điều dưỡng ít nhất có một phần là do không thể dùng thuốc đúng cách. 

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người chăm sóc giúp bạn bè hoặc người thân của họ uống thuốc đúng cách chiếm tỉ lệ cao. Người chăm sóc cho những người mắc bệnh Alzheimer và các chứng suy giảm trí nhớ khác thường ghi lại báo cáo về việc họ hàng hoặc bạn bè của họ cho họ uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng và theo chỉ dẫn. Trong các cuộc khảo sát, những người chăm sóc cho biết kiến ​​thức về thuốc của người thân, về mục đích sử dụng, hướng dẫn sử dụng, tác dụng phụ, tương tác khả thi là nhiều hơn so với những gì mà chính người được chăm sóc hiểu biết. 

Khi bệnh nhân, người chăm sóc, bác sĩ và dược sĩ hoạt động như một đội hỗ trợ lẫn nhau, họ sẽ tránh được các vấn đề liên quan đến thuốc, góp phần mang lại kết quả tốt hơn và cải thiện chức năng hàng ngày. Tờ thông tin này đóng vai trò là hướng dẫn của người chăm sóc sóc về việc sử dụng thuốc và cung cấp các mẹo nhỏ, những việc cần làm đối với những thách thức của việc sử dụng thuốc. 

Câu Hỏi Dành Cho Bác Sĩ Về Thuốc 

Một trong những trách nhiệm về phía người bệnh và người chăm sóc là chuẩn bị tham gia đầy đủ những buổi tư vấn về sử dụng thuốc. Trước khi đến thăm khám, hãy viết ra tất cả những gì bạn muốn trao đổi, bao gồm những câu hỏi liên quan đến thuốc. Bạn nên ghi chép những thông tin quan trọng và xem lại các ghi chú đó sau buổi hẹn. Bạn có thể hỏi thêm câu hỏi để các bác sĩ và dược sĩ giải đáp thắc, chẳng hạn như: 

  • Tại sao cần phải kê đơn loại thuốc này? 
  • Thuốc phản ứng như thế nào trong cơ thể tôi? 
  • Tôi sẽ có cảm giác như thế nào sau khi bắt đầu dùng thuốc này? 
  • Làm thế nào để tôi biết thuốc đang có hiệu quả cho tôi? Sau khoảng bao lâu các triệu chứng của tôi sẽ cải thiện? 
  • Tôi sẽ phải dùng thuốc trong bao lâu? Tôi có cần sử dụng thêm thuốc khi uống hết đơn thuốc này không? 
  • Thuốc này có phản ứng với các loại thuốc khác có kê toa và không kê toa mà tôi đang dùng không? 
  • Tôi có nên dùng thuốc này chung với thức ăn không? Tôi nên kiêng ăn/ uống những gì? (ví dụ như nho có thể phản ứng với một số loại thuốc) Trong khoảng thời gian sử dụng thuốc, tôi có được uống đồ uống có cồn không? 
  • Tôi có phải hạn chế những hoạt động gì trong khi dùng thuốc này không? 
  • Thuốc này có thể nhai, nghiền, hòa chung hay trộn với các loại thuốc khác không? 
  • Thuốc có tác dụng phụ gì không? Tôi phải làm thế nào để ngăn những tác dụng phụ đó? Khi nào thì tôi nên báo khi có tác dụng phụ của thuốc?  
  • Tôi nên làm gì nếu uống thuốc quá liều hoặc quên uống một liều? 
  • Giá đơn thuốc này là bao nhiêu? Liệu có toa thuốc nào rẻ hơn thay thế cho đơn thuốc này không?  
  • Có đơn thuốc nào tương tự như vậy không? Nếu có, tôi có nên mua thuốc đó thay vì mua thuốc chính hãng không? 
  • Bác sĩ có thể cho tôi xin tài liệu viết về loại thuốc này không? 
  • Nhà thuốc có cung cấp các dịch vụ khác như giao hàng tận nhà hoặc tư vấn và bình phẩm thuốc không? 

Dược Sĩ Có Thể Giúp Gì Cho Bạn 

Người lớn tuổi, người khuyết tật và người chăm sóc có thể sẽ phải đối mặt với những trở ngại khi sử dụng thuốc. Giải quyết được những vấn đề này thì thuốc sẽ rất có hiệu quả. Vậy nên người tiêu dùng và người chăm sóc cần phải thông báo với bác sĩ và dược sĩ về bất kì vấn đề gì họ gặp phải khi dùng thuốc, bao gồm: 

  • Trí nhớ: Hay quên uống thuốc. Dược sĩ sẽ cấp cho bạn những hộp thuốc đặc biệt hoặc các dụng cụ hỗ trợ để nhắc người chăm sóc và người già uống thuốc. Có đủ các dụng cụ từ đơn giản như hộp đựng thuốc chia ngăn, ghi rõ tưng bừa ăn và giờ đi ngủ như hộp đựng thuốc tân tiến có phát ra âm thanh nhắc đến giờ uống thuốc hoặc nắp chai đếm số lần mở để nhớ ra ngày hôm đó đã uống thuốc hay chưa. Với những người bị suy giảm trí nhớ nặng, người chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi người bệnh đã sử dụng các loại thuốc đúng cách hay chưa. Hơn nữa, một số tổ chức dịch vụ dành cho người cao tuổi còn có chương trình gọi điện cho những người có trí nhớ kém để nhắc họ uống thuốc 
  • Mắt kém: Không nhìn rõ nhãn dán trên thuốc và những thuốc không được kê đơn. Dược sĩ có thể cho bạn nhãn dán thuốc khổ lớn. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và người chăm sóc có thể đọc những thông tin trên thuốc không có trong đơn cho người dùng. Hoặc bạn có thể sử dụng kính lúp. 
  • Lãng tai: Không nghe rõ hướng dẫn, chỉ định của chuyên gia y tế. Yêu cầu bác sĩ, y tá và dược sĩ nói to hơn hoặc viết ra những thông tin quan trọng về an toàn sử dụng thuốc. Người chăm sóc cũng có thể là “đôi tai” cho những người cao tuổi có vấn đề về thính giác.  
  • Khéo tay: Khó mở chai, không thể tách thuốc ra, có vấn đề với các loại thuốc như thuốc nhỏ mắt, thuốc xịt- hít cho bệnh nhân hen suyễn, mắc các bệnh về phổi và tiêm isulin. Đây là những vấn đề khá phổ biến với những người bị viêm khớp và những người già ốm. Các loại chai lớn, dễ mở luôn có sẵn. Nếu đơn thuốc có liều uống nửa viên thì dược sĩ có thể chia/bẻ/ tách thuốc ra cho bạn. Người chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bệnh nhân dùng thuốc nhỏ mắt, thuốc xịt/hít, thuốc tiêm và các dạng bào chế khác đòi hỏi một số kỹ năng, khéo léo. Và thêm nữa, các nhà thuốc sẽ cấp cho bạn hướng dẫn bảo quản và sử dụng thuốc. 
  • Nuốt: Khó nuốt thuốc dạng viên nén và thuốc con nhộng. Các loại thuốc dù được kê trong đơn hay không thì đều được bào chế thành rất nhiều dạng khác nhau như chất lỏng, miếng dán ngoài da, hình viên đạn nhằm hạn chế đáng kể những khó khăn mà người tiêu dùng gặp phải nếu phải nhai thuốc. Hãy yêu cầu dược sĩ cho bạn loại thuốc đó dưới dạng bào chế khác. 
  • Lập kế hoạch dự bị: Nhiều lịch uống thuốc trong cùng một ngày. Một trong những thách thức lớn nhất đối với người cao tuổi và người chăm sóc là giúp những lịch trình uống thuốc thành thói quen hàng ngày. Những hộp thuốc đặc biệt và dụng cụ hỗ trợ như đã nêu ở trên thực sự có ích trong trường hợp này. Điều quan trọng là người cao tuổi và người chăm sóc cần lên một kế hoạch quản lý thời gian, sinh hoạt thích hợp, khớp với thời gian thời khóa biểu thường nhật. Ví dụ, nếu giờ ăn hoặc giờ ngủ đã lên lịch trước thì có thể sử dụng kí hiệu để thêm lịch uống thuốc vào các khung giờ đó. Bác sĩ và dược sĩ có thể hỗ trợ lập kế hoạch phù hợp nhất với thời gian thời khoá biểu hàng ngày của bệnh nhân. 

Uống Quá Nhiều Loại Thuốc 

Vấn đề chung trong việc sử dụng thuốc ở người cao tuổi và những người ốm đau là họ sử dụng nhiều loại thuốc cùng một lúc. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng càng nhiều thuốc thì nguy cơ gặp phải các vấn đề về thuốc càng cao. Đối với người lớn tuổi, sử dụng nhiều thuốc cùng lúc là điều hết sức bình thường. Các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim, Parkinson, viêm khớp, đi tiểu són, huyết áp cao, bệnh phổi, loãng xương hay Alzheimer buộc người bệnh phải sử dụng nhiều loại thuốc. Nhưng quan trọng nhất vẫn là các loại thuốc đó phải phù hợp, hiệu quả và an toàn. Người chăm sóc phải đặt ra các câu hỏi về từng loại thuốc như: 

  • Có thực sự cần thiết phải sử dụng loại thuốc này không? 
  • Thuốc này có phải là loại phù hợp nhất với bệnh đang điều trị không? 
  • Liệu có vấn đề gì với bệnh khác trong khi sử dụng thuốc này không? 
  • Thuốc có được kê đúng liều không? 
  • Thuốc có phản ứng gì với các loại thuốc khác không? 
  • Thuốc có hiệu quả với tình trạng bệnh tình hiện tại không? 

Người chăm sóc có thể đối mặt với những trở ngại như luôn phải mua đủ tất cả các loại thuốc được đơn kê, nhất là vào các dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ và sắp xếp, quản lý các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Những việc thiết yếu phải làm là lên kế hoạch trước để mua thêm thuốc kịp thời, cập nhật các tình hình chuyển biến của bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc với bác sĩ. Một “cuốn số ghi chép dành cho người chăm sóc” – bìa rời dành cho người chăm sóc – là cách lý tưởng để có thể giữ lại tất cả những giấy tờ chẩn đoán bệnh tình, các cuộc hẹn với bác sĩ, câu hỏi và lịch sử sử dụng thuốc. Nói trước với Nhà cung cấp Dịch vụ Chăm sóc nếu có ý định thay đổi bất kì loại thuốc nào. 

Ngăn Ngừa Các Vấn Đề Về Thuốc 

Một bước quan trọng để ngăn ngừa các vấn đề với thuốc mà các chuyên gia y tế, người tiêu dùng và cả người chăm sóc phải hiểu đó là tình trạng ấy giúp xác định các dấu hiệu, triệu chứng của các vấn đề với các loại thuốc phải dùng và để nhận dạng các bước thích hợp nhằm giảm nguy cơ mắc phải những vấn đề tốn kém khác. 

Quan trọng là phải luôn nhớ rằng tác dụng của thuốc có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày của người già và người ốm đau. Những ảnh hưởng hoặc “triệu chứng” của các vấn đề với thuốc có thể bao gồm: 

  • Mơ màng 
  • Lú lẫn 
  • U sầu 
  • Mê sảng 
  • Mất ngủ 
  • Các triệu chứng giống Parkinson 
  • Đi tiểu són 
  • Yếu cơ 
  • Ăn không ngon miệng 
  • Dễ té ngã và gãy xương 
  • Thay đổi trong lời nói và giảm trí nhớ 

Khi các triệu chứng như trên xuất hiện, người bệnh nên báo ngay với người chăm sóc rằng có thể họ sắp gặp phải những vến đề với thuốc. 

Cần Loại Thuốc Mới 

Vấn đề này xảy ra khi khi tình trạng bệnh cần được bổ sung thêm thuốc hoặc thay thuốc mới mà không được kê trong toa. Ví dụ ở người cao tuổi và người khuyết tật thường là những triệu chứng không được chẩn đoán và điều trị như đau đớn, trầm cảm. Các biểu hiện này thường được những chuyên gia y tế cho là một “phần bình thường của quá trình lão hóa”. Thiếu điều trị cho những nỗi đau và trầm cảm có thể dẫn đến suy giảm chức năng và tinh thần tham gia vào các hoạt động xã hội. 

Người cao tuổi thường tránh nhắc đến những biểu hiện này với bác sĩ; nhiều chuyên gia y tế còn không xem xét đầy đủ những những căn bệnh và tình trạng mà người già có thể mắc phải. Đánh giá sức khỏe đầy đủ và đúng cách cho bệnh nhân là rất cần thiết bởi lẽ khi những triệu chứng đó được phát hiện kịp thời thì việc điều trị sẽ trở nên dễ dàng hơn. 

Dù có nhạy cảm đến mấy thì người bệnh và những người chăm sóc của họ cần phải thoải mái nói hết những biểu hiện đó với bác sĩ.  

Thuốc Điều Trị Không Cần Thiết 

Bệnh nhân gặp phải các vấn đề với thuốc khi họ sử dụng những loại thuốc không cần thiết với tình trạng bệnh tình của họ. Ngoài ra, nếu bệnh nhân được điều trị kết hợp với một loại thuốc có tác dụng tương đương thì có nghĩa là họ đang sử dụng thừa thuốc. Bệnh nhân sử dụng các loại thuốc không cần thiết có thể bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc. Chi phí cho các loại thuốc đó cũng là một yếu tố cần cân nhắc, đặc biệt là đối với người cao tuối có thu nhập hạn chế. 

Sai Thuốc Điều Trị 

Vấn đề này xảy ra khi thuốc không phù hợp với tình trạng bệnh của bệnh nhân. Khi thuốc không hiệu quả thì có lẽ là bác sĩ đã kê sai thuốc cho bệnh nhân. Ví dụ như kê loại thuốc dưới dạng bào chế không phù hợp, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân không tiến triển gì, thuốc không được chỉ định điều trị cho tình trạng bệnh hoặc có một loại thuốc khác hiệu quả hơn. Cả bệnh nhân và người chăm sóc phải biết rõ mình mong chờ những tiến triển như thế nào khi sử dụng thuốc và khi nào thì đáng ra thuốc phải có hiệu quả. Sau khi sử dụng thuốc một thời gian, nếu thuốc có tác dụng khác thì nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn, làm rõ về tình trạng sức khỏe. 

Liều Quá Nhẹ  

Vấn đề này xảy ra khi đơn thuốc kê quá ít, quá nhẹ đối với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân được kê loại thuốc thích hợp, không bị ảnh hưởng bới tác dụng phụ nào, nhưng tình trạng sức khỏe cũng không có tiến triển gì thì có nghĩa là liều thuốc ấy quá nhẹ. Khi thuốc kê đúng những không đủ mạnh thì thuốc phát huy rất ít tác dụng hoặc có thể là không có tác dụng gì, thâm chí còn gây ra hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân. Chỉ cần điều chỉnh liều lượng và/ hoặc tần suất uống thuốc thì đã có thể cải thiện được tác dụng của thuốc. Một lần nữa, cả bệnh nhân và người chăm sóc đều phải biết rõ mình trông đợi gì khi sử dụng thuốc. 

Liều Quá Nặng 

Có lẽ đây là vấn đề phổ biến nhất ở người cao tuổi, họ được kê đúng đơn thuốc nhưng liệu lượng thuốc lại quá cao. Vấn đề này thường xảy ra ở người già bởi lẽ quá trình lão hóa trong cơ thể có thể làm thay đổi cách chuyển hóa và phản ứng với thuốc. Ví dụ, khả năng chuyển hóa thuốc của gan và thận người già kém hơn. Ngoài ra, quá trình phân phối chất béo và cơ thay đổi khiến cho người già dễ bị ảnh hưởng bới các tác dụng phụ hơn.  

Những thay đổi trong cơ thể người già làm tăng nguy cơ gặp phải những tác dụng phụ có hại cho sức khỏe. Một “liều thuốc bình thường” có thể là quá liều đối với một số người cao tuổi. Tuy nhiên, có một số loại thuốc được kê cùng liều lượng cho mọi độ tuổi. Những loại thuốc tác động đến hệ thần kinh trung ương sẽ không phù hợp vì người già rất nhạy cả với tác dụng phụ của loại thuốc này. Ví dụ như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc chống loạn thần, và một số loại thuốc điều trị bệnh huyết áp. Các biểu hiện cho thấy liều thuốc quá mạnh là: chóng mặt, lú lẫn, mê sảng, mất ngủ, các triệu chứng giống Parkinson, ăn không ngon, dễ té ngã và giảm trí nhớ. 

Nếu bạn nghĩ là liều thuốc có thể quá nhẹ hoặc quá mạnh hay quan ngại bất kì vấn đề nào vế thuốc thì hãy liên hệ với Nhà cung cấp Dịch vụ Chăm sóc và dược sĩ trước khi sử dụng thuốc. 

Tác Hại Của Thuốc 

Phản ứng có hại của thuốc xuất hiện khi bệnh nhân sử dụng thuốc được coi là không an toàn dựa trên: 

  • Tình trạng bệnh  
  • Dị ứng với thuốc 
  • Phản ứng với thuốc khác hoặc thức ăn 
  • Sử dụng thuốc sai cách 
  • Tăng hoặc giảm liều quá nhanh 

Phản ứng của thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm và gây khó chịu cho bệnh nhân. Một phản ứng rất phổ biến của loại thuốc làm loãng máu là khi kết hợp với aspirin và một số loại thuốc gairm đau khác, tác dụng của nó sẽ mạnh hơn, làm máu loãng hơn. Trước khi kê bất kì đơn thuốc mới nào, bác sĩ cần lưu ý đến tất cả các loại thuốc khác để tránh trường hợp này xảy ra. 

Không Dùng Thuốc 

Để dùng thuốc an toàn và hiệu quả, bệnh nhân cần phải sử dụng đúng liều lượng, đúng thời điểm trong một khoảng thời gian nhất định. Có rất nhiều lí do khiến bệnh nhận không nhận thuốc, không sử dụng thuốc như đã được kê đơn. Ví dụ, một bệnh nhân có thể thấy rằng thuốc đã hoặc sẽ gây ra một số phản ứng có hại cho cơ thể, hiểu sai về lí do và cách sử dụng thuốc hoặc có thể họ thấy bất tiện khi phải sử dụng loại thuốc đó. 

Chi phí cao và bảo hiểm hạn hẹp cho thuốc theo toa trong bảo hiểm sức khỏe là lí do chính khiến bệnh nhân không sử dụng thuốc. Nếu có một loại thuốc tương tự, họ sẽ sử dụng loại đó để giảm bớt chi phí. Nhiều công ty dược còn cấp thuốc miễn phí hoặc giảm giá cho những người có thu nhập thấp. Khảo sát để được mua với giá rẻ nhất; nhiều hiệu thuốc ra giá ngang bằng với các đối thủ cạnh tranh. Hãy yêu cầu bác sĩ cho mẫu thuốc.  

Nhiều địa phương còn có các chương trình hỗ trợ thuốc cho người cao tuổi có thu nhập thấp, không có bảo hiểm y tế. Dược sĩ có thể hỗ trợ người cao tuổi tìm thuốc thông qua các chương trình này. (Thêm tiền thuốc cũng có thể hỗ trợ cho phiếu thực phẩm và hỗ trợ cho thuê). Từ năm 2006, sự thay đổi trong quyền lợi khi được kê đơn của bảo hiểm cho các bệnh nhân ngoại trú cũng hỗ trợ một khoản chi phí nhất định cho người cao tuổi. 

“Tự Nhiên” Không Có Nghĩa Là An Toàn và Hiệu Quả 

Việc bán các sản phẩm thảo dược ở Hoa Kỳ phần lớn không được kiểm soát. Các công ty bán các sản phẩm này không bị bắt phải chứng minh tính an toàn và hiệu quả của thuốc. Một số thành phần thảo dược không được liệt kê trên bao bì hoặc danh sách có thể không đầy đủ hoặc không chính xác, vì vậy bạn có thể không biết bạn đang dùng những cái gì. Mặc dù một số loại thảo dược và các sản phẩm tự nhiên khác có thể có lợi trong một số trường hợp, chúng có thể gây tác dụng phụ đáng kể và đôi khi không thể lường trước được Nhiều loại thảo mộc cũng phản ứng với cả thuốc theo toa và thuốc không kê đơn. Ví dụ, bạch quả, thường được sử dụng cho chứng giảm trí nhớ, có thể phản ứng với chất làm loãng máu, thuốc trị huyết áp cao và một số loại thuốc giảm đau nhất định như ibuprofen và naproxen. Để tránh các vấn đề với thuốc thảo dược, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn về bất kỳ loại thảo dược bạn sử dụng hoặc đang cân nhắc sử dụng. 

Khái Niệm Cơ Bản Về Sử Dụng Thuốc An Toàn 

  • Liên tục cập nhật danh sách tất cả các loại thuốc, cho cả bản thân bạn và cho người bạn đang chăm sóc. Luôn luôn giữ danh sách bên mình (bấm vào đây để tải về Mẫu Hồ sơ Thuốc). Liệt kê thuốc theo toa, thuốc không kê đơn, vitamin, các sản phẩm dinh dưỡng khác và các phương thuốc thảo dược trong danh sách. Hãy chia sẻ danh sách với bác sĩ của bạn hoặc bác sĩ của người bạn đang chăm sóc. 
  • Một số người chăm sóc phải chuẩn bị và quản lý các loại thuốc tiêm, như insulin. Tiêm liên quan đến việc sử dụng ống tiêm và kim tiêm, có thể được đưa vào dưới da hoặc vào tĩnh mạch hoặc cơ. Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu và thoải mái với việc chuẩn bị liều lượng thích hợp và quản lý tiêm. Các y tá tại văn phòng bác sĩ và dược sĩ có thể và nên hướng dẫn bạn các kỹ thuật thích hợp cho thuốc tiêm. 
  • Lưu trữ tất cả các loại thuốc của bạn ở một vị trí được chỉ định trong nhà của bạn. Giữ tất cả các loại thuốc được lưu trữ cùng nhau ở một nơi trừ khi chúng cần để trong tủ lạnh hoặc được dán nhãn “cần bảo quản nơi mát mẻ”. Việc này sẽ có ích khi bác sĩ của bạn cần xem lại tất cả các loại thuốc của bạn trong các trường hợp khẩn cấp xảy ra 
  • Hãy chắc chắn rằng thuốc của bạn được cất giữ ngoài tầm với của trẻ em, đặc biệt là nếu bạn không có hộp đựng chống trẻ nhỏ. Nếu bạn đang chăm sóc cho một người có vấn đề về nhận thức hoặc trí nhớ, hãy chắc chắn rằng tất cả các loại thuốc đều được cất giữ an toàn. 
  • Không trộn các loại thuốc khác nhau với nhau trong một hộp đựng; điều này sẽ gây khó khăn nếu không thể xác định được thuốc trong trường hợp khẩn cấp. 
  • Thuốc nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát. Không cất thuốc trong tủ thuốc trong phòng tắm hoặc trong bếp vì nhiệt độ và độ ẩm làm giảm tác dụng. Thay vào đó, cất trữ thuốc của bạn trong một khu vực được chỉ định trong phòng ngủ, phòng ăn hoặc phòng khách của bạn. 
  • Các loại thuốc được lưu trữ trong tủ lạnh nên được tách ra khỏi các vật phẩm khác trong tủ. Cân nhắc giữ thuốc trong tủ lạnh bằng hộp nhựa hoặc hộp đựng ở một vị trí cố định trong tủ lạnh. 
  • Các loại thuốc uống bằng miệng nên được giữ riêng biệt với các sản phẩm chỉ sử dụng bên ngoài, chẳng hạn như kem và thuốc mỡ. 
  • Thuốc hết hạn (có ngày hết hạn đối với tất cả các loại thuốc của bạn) và bất kỳ loại thuốc nào mà bác sĩ của bạn đã ngừng sử dụng nên được loại bỏ. 
  • Không bao giờ chia sẻ hoặc đưa thuốc của bạn cho người khác. 

Chia Sẻ Trách Nhiệm 

Phạm vi và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề có thể xảy ra với điều trị bằng thuốc là rất lớn. Để ngăn chặn những vấn đề này xảy ra, người sử dụng và người chăm sóc, cũng như các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, nên có trách nhiệm đảm bảo sử dụng thuốc phù hợp, an toàn và hiệu quả. Tất cả các chuyên gia liên quan đến việc kê đơn và phân phối cung cấp cũng như người tiêu dùng và người chăm sóc nên tự coi mình là thành viên thiết yếu của đội chăm sóc sức khỏe. Người dùng hoặc người chăm sóc cảnh báo bác sĩ hoặc y tá của họ về sự cần thiết phải thay đổi trong khi điều trị bằng thuốc đóng vai trò quan trọng để có phương pháo trị liệu tốt nhất. 

Trách nhiệm của người sử dụng thuốc và người chăm sóc tập trung vào hiệu quả trong giao tiếp với đội ngũ chăm sóc sức khỏe. Điều này bao gồm trình bày các vấn đề thực tế hoặc tiềm ẩn liên quan đến thuốc kịp thời cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và tham gia giải quyết các vấn đề. Trước khi việc này diễn ra, người dùng và người chăm sóc phải có thể nhận ra các dấu hiệu và triệu chứng có khả năng xảy ra về vấn đề của thuốc. Đối với người lớn tuổi, bất kỳ triệu chứng nào cũng nên được coi là vấn đề về thuốc cho đến khi được kiểm chứng. Khi các triệu chứng can thiệp vào hoạt động hàng ngày và khi trình tự thời gian của triệu chứng chỉ ra rằng do thuốc gây ra, cần phải thông báo ngay cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe. 

Người tiêu dùng và người chăm sóc chia sẻ trách nhiệm bằng cách bày tỏ sự quan tâm, kỳ vọng, bất kỳ sự thiếu hiểu biết nào về liệu pháp dùng thuốc và yêu cầu câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Người dùng cần có khả năng trình bày cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thông tin chính xác và đầy đủ về tình trạng sức khỏe. Mô tả đầy đủ về vấn đề và chỉ ra nó đã xảy ra bao lâu, nếu vấn đề đã xảy ra trước đó, nó bắt đầu như thế nào, người dùng thuốc đã làm gì để giải quyết vấn đề đó và thuốc nào có tác dụng, thuốc nào không có tác dụng. Đối với người cao tuổi bị suy giảm nhận thức, người chăm sóc đóng một vai trò quan trọng trong việc nhận ra những thay đổi trong tình trạng sức khỏe và mô tả các vấn đề đó cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. 

Tài nguyên 

Liên hiệp Người chăm sóc Gia đình 
Trung tâm Chăm sóc Quốc gia 
(415) 434-3388 | (800) 445-8106 
Trang web: www.caregiver.org 
Tài nguyên bằng tiếng Việt: https://www.caregiver.org/vietnamese/
Email: info@caregiver.org 
Dịch vụ Hỗ trợ Chăm sóc Cá nhân FCA CareNav: fca.cacrc.org/login
Dịch vụ Người Chăm sóc Gia đình theo Tiểu bang: www.caregiver.org/connecting-caregivers/services-by-state/

Liên Hiệp Người Chăm Sóc Gia Đình (Family Caregiver Alliance, FCA) tìm cách cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người chăm sóc thông qua đào tạo, các dịch vụ, nghiên cứu và vận động. Thông qua Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia, FCA cung cấp thông tin về xã hội, chính sách công cộng, và các vấn đề chăm sóc và cung cấp hỗ trợ trong việc phát triển các chương trình công cộng và cá nhân dành cho những người chăm sóc. Đối với cư dân Vùng Vịnh San Francisco mở rộng, FCA cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho người chăm sóc những người mắc bệnh Alzheimer, đột quỵ, chấn thương sọ não, Parkinson, và các tình trạng làm suy nhược khác gây tổn thương cho người trưởng thành. 

Những Tổ Chức Và Đường Dẫn Khác 

Hội đồng Thông tin và Giáo dục Bệnh nhân Quốc gia 
www.talkaboutrx.org 
Liên minh gồm hơn 130 tổ chức cam kết quảng bá và chỉ dẫn người tiêu dùng sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả hơn. 

Trung tâm Peter Lamy về Điều trị và Lão hóa, Trường dược, Đại học Maryland 
www.pharmacy.umaryland.edu/centers/lamy 
Tổ chức, tạo ra các chương trình và ấn phẩm, bao gồm tập tài liệu ElderCare Brochures nhằm giải đáp những thắc mắc về thuốc và nhiều căn bệnh khác nhau. 

Hội Dược sĩ chăm sóc người cao niên 
https://www.ascp.com/page/journal
Thông tin thực tế về việc sử dụng thuốc an toàn ở người cao tuổi, bao gồm: danh mục các dược sĩ chăm sóc cấp cao trên toàn quốc, chuyên điều trị bằng thuốc lão khoa và các nhu cầu về thuốc đặc trị ở người già. 

Hội Dược sĩ Tư vấn Mỹ và Quỹ hội Dược sĩ Tư vấn Nghiên cứu và Giáo dục 
www.ascp.com and www.ascpfoundation.org 
Hội Dược sĩ Tư vấn Mỹ hoạt động thúc đẩy tính thực tế của dược cao cấp. Các thành viên của trong hội sử dụng cách điều trị bằng thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân cư trú tại các cơ sở điều dưỡng, chăm sóc bán cấp và hỗ trợ cơ sở trợ giúp, bệnh viện tâm thần, các nhà nghỉ dưỡng cuối đời, và chăm sóc tại nhà và cộng đồng. 

Truy cập vào Bảo hiểm Đơn thuốc Medicare để biết thêm thông tin chi tiết  
www.medicare.gov and www.medicarerights.org.


Viết bởi Kathleen A. Cameron, R.Ph., M.P.H., và xét duyệt bởi Ron Finley, R.Ph. © 2016-2020 Family Caregiver Alliance. All rights reserved.