FCA logo

Sa Sút Trí Tuệ Não Mạch (Vascular Dementia)

Sa Sút Trí Tuệ Não Mạch là gì?

Sa sút trí tuệ não mạch là một thuật ngữ y học mô tả sự suy giảm của các khả năng nhận thức bao gồm ghi nhớ, lập kế hoạch, lý luận và phán đoán. Khi lưu lượng máu đến bất kỳ vùng nào của não bị giảm, vùng đó sẽ nhanh chóng bị tổn thương và nếu có thể phục hồi thì tốc độ cũng sẽ chậm. Các mô não bị tổn thương gây ra các triệu chứng sa sút trí tuệ. Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, chúng sẽ làm suy yếu các hoạt động thường ngày của một người và có thể ảnh hưởng đến khả năng sống độc lập của họ. Trong trường hợp đó, những người chăm sóc của gia đình có thể sẽ cần phải giúp quản lý việc chăm sóc người thân của họ.

Các triệu chứng của sa sút trí tuệ não mạch có thể xuất hiện dần dần hoặc đột ngột. Ví dụ, các vấn đề về ghi nhớ và tư duy thường xuất hiện ngay sau khi bệnh nhân bị đột quỵ. Tuy nhiên, việc lên cơn đột quỵ không phải lúc nào cũng có nghĩa rằng người đó sẽ mắc bệnh sa sút trí tuệ: Mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ và vị trí trong não sẽ quyết định liệu các kỹ năng tư duy có bị ảnh hưởng đáng kể hay không. Mặt khác, một số người sẽ biểu hiện những thay đổi dần dần và khó nhận thấy gây ra bởi bệnh mạch não mãn tính (tức là các bệnh trạng ảnh hưởng đến mạch máu trong não). Sa sút trí tuệ não mạch thường đi kèm với các loại sa sút trí tuệ khác, như bệnh Alzheimer hoặc Sa Sút Trí Tuệ Thể Lewy. Sự xuất hiện kèm theo của các bệnh mạch máu trong não thường khiến các triệu chứng của các bệnh về não khác thêm trầm trọng.

Thực Trạng

Sa sút trí tuệ não mạch là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây ra sa sút trí tuệ chỉ sau bệnh Alzheimer. Ước tính tỷ lệ mắc bệnh nằm trong khoảng 10-20% trong số tất cả các bệnh sa sút trí tuệ ở người già. Lượng máu cung cấp lên não bị giảm do các mạch máu bị nhiễm bệnh là nguyên nhân gây ra sa sút trí tuệ não mạch. Để được khỏe mạnh và hoạt động bình thường, các tế bào thần kinh cần có đủ oxy, glucose, và các chất dinh dưỡng khác được bổ sung qua lượng máu đi lên não thông qua một hệ thống mạch phức tạp (hệ mạch). Nếu hệ mạch này bị tổn thương do các mạch yếu hoặc bị tắc nghẽn, thì nguồn cung cấp máu sẽ không đủ và các tế bào và mô não sẽ bị tổn thương và/hoặc chết.

Một số bệnh và tình trạng làm thu hẹp mạch máu hoặc gây tổn thương lâu dài đến các mạch máu có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh sa sút trí tuệ não mạch vì chúng có thể dẫn đến đột quỵ hoặc nhiều cơn nhồi máu dưới vỏ não (mô chết do không được cấp đủ máu). Những tình trạng này có thể do sự lão hóa, các yếu tố di truyền hoặc các chứng rối loạn y khoa khác nhau góp phần gây ra các bệnh tim mạch tiềm ẩn. Bao gồm:

  • huyết áp cao
  • xơ cứng động mạch (xơ vữa động mạch)
  • tiểu đường
  • ngưng thở khi ngủ
  • cholesterol cao
  • béo phì
  • hút thuốc
  • rung nhĩ
  • ít hoạt động thể chất và ăn uống kém lành mạnh.

Các Loại Sa Sút Trí Tuệ Não Mạch

Sa sút trí tuệ não mạch có thể được chia thành hai loại: sa sút trí tuệ sau đột quỵ và sa sút trí tuệ do nhồi máu não đa ổ (hay còn gọi là sa sút trí tuệ não mạch dưới vỏ).

SA SÚT TRÍ TUỆ SAU ĐỘT QUỴ

Các triệu chứng được biểu hiện rõ ràng nhất khi xuất hiện đột ngột sau một cơn đột quỵ, dẫn đến việc cung cấp máu lên não đột ngột bị gián đoạn do tắc nghẽn động mạch. Sự gián đoạn này có thể dẫn tới tổn thương hoặc chết mô não. Không phải bệnh nhân đột quỵ nào cũng đều sẽ mắc chứng sa sút trí tuệ; ước tính có khoảng 20% bệnh nhân đột quỵ mắc chứng sa sút trí tuệ sau đột quỵ trong vòng sáu tháng. Sa sút trí tuệ sau đột quỵ có thể dẫn đến các triệu chứng thể chất (ví dụ như liệt hoặc yếu) và/hoặc các vấn đề về thị lực hoặc khả năng nói. Các triệu chứng xảy ra sẽ phụ thuộc vào khu vực và mức độ bị ảnh hưởng của não.

SA SÚT TRÍ TUỆ DO NHỒI MÁU NÃO ĐA Ổ

Loại sa sút trí tuệ này là hệ quả của một loạt các cơn đột quỵ nhỏ tại các mạch nằm sâu bên trong não (tức là vùng dưới vỏ). Những cơn đột quỵ nhỏ này có thể không dẫn tới bất kỳ cơn khởi phát bất ngờ và rõ ràng nào của các triệu chứng; tuy nhiên, kể cả những “cơn nhồi máu não thầm lặng” vẫn làm tăng nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ, một hệ quả của bệnh mạch máu não. Theo thời gian, những tác động của tổn thương này có thể gây ra bệnh sa sút trí tuệ. Sự tiến triển của bệnh được gọi là “từng bước một” vì các triệu chứng sẽ xấu đi sau khi có thêm bất kỳ cơn đột quỵ nhỏ nào rồi giữ nguyên trong một thời gian. Các triệu chứng có thể phát triển bao gồm những thay đổi trong khả năng lý luận và các kỹ năng tư duy khác chẳng hạn như ghi nhớ, cũng như các vấn đề về tâm trạng và hành vi, bao gồm trầm cảm và thờ ơ.

Các Triệu Chứng và Diễn Tiến của Bệnh

Tùy thuộc vào vị trí và mức độ bị ảnh hưởng của não, các triệu chứng sẽ có sự khác nhau và có thể trùng lặp với các triệu chứng của những loại bệnh sa sút trí tuệ khác. Các triệu chứng của sa sút trí tuệ do nhồi máu não đa ổ có thể diễn ra từ từ và không đột ngột như sa sút trí tuệ sau đột quỵ. Ví dụ, đối với sa sút trí tuệ do nhồi máu não đa ổ, ta có thể nhận thấy sự suy giảm dần dần trong một số khía cạnh của lời nói và ngôn ngữ, trong khi lời nói sẽ đột ngột thay đổi ngay sau cơn đột quỵ.

Sa sút trí tuệ não mạch thường sẽ tiến triển, nhưng tốc độ và kiểu suy giảm nhận thức, cũng như sự chậm lại của các kỹ năng vận động và sự thay đổi tâm trạng có thể khác nhau. Một vài người có thể bị mất trí nhớ, trong khi những người khác có thể có những thay đổi chủ yếu về tâm trạng và hành vi.

Giống như mọi bệnh sa sút trí tuệ, người bệnh ở trong các giai đoạn cuối sẽ biểu hiện những thay đổi nhận thức toàn bộ và sẽ phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Các triệu chứng thông thường của chứng sa sút trí tuệ sau đột quỵ và sa sút trí tuệ do nhồi máu não đa ổ có thể gồm:

  • lú lẫn và khó khăn trong việc giải quyết vấn đề
  • khó chú ý và tập trung
  • các vấn đề với việc học tập và ghi nhớ
  • lập kế hoạch và tổ chức kém 
  • các thay đổi trong tâm trạng bao gồm việc mất hứng thú với các hoạt động thường ngày
  • khó tìm ra từ thích hợp
  • các triệu chứng vận động bao gồm vụng về và dáng đi chậm chạp hoặc không vững.

Những người chăm sóc của gia đình có thể cảm thấy khó biết cách giúp đỡ khi có nhiều triệu chứng khác nhau. Được chẩn đoán xác định sẽ giúp việc chăm sóc trở nên dễ dàng hơn trong hiện tại và tương lai.

Xét Nghiệm và Chẩn Đoán

Những lo lắng về sa sút trí tuệ não mạch nên được bày tỏ với bác sĩ. Việc chẩn đoán sớm là rất quan trọng, vì cách này cho phép tiếp cận với việc điều trị, lời khuyên về việc lập kế hoạch trong tương lai, và những khuyến nghị có thể có về các thay đổi trong lối sống có thể giúp làm chậm quá trình tiến triển của căn bệnh tiềm ẩn. Những thay đổi trong lối sống được khuyến nghị có thể bao gồm một chế độ ăn lành mạnh hơn, tham gia vận động thể chất, bỏ thuốc lá, và từ bỏ hoặc giảm uống rượu bia.

Trầm cảm thường đi đôi với sa sút trí tuệ não mạch và có thể góp phần gây ra, hoặc làm trầm trọng thêm, các triệu chứng về nhận thức do mạch máu. Các bệnh trạng y khoa có thể có triệu chứng giống với trầm cảm (mệt mỏi, khó chịu, mất ngủ, cảm giác thèm ăn giảm, lo lắng) do bệnh mạch máu gây ra cần được loại bỏ đầu tiên.

Một cuộc kiểm tra y tế kỹ lưỡng để phát hiện bệnh sa sút trí tuệ não mạch có thể bao gồm một loạt các xét nghiệm và nghiên cứu khác nhau. Bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh sử đầy đủ và có thể sẽ yêu cầu xét nghiệm máu để loại trừ các nguyên nhân có thể đảo ngược gây nên suy giảm nhận thức, như lượng Vitamin B12 thấp hoặc suy giáp. Mọi người thường được chỉ dẫn đến một bác sĩ thần kinh để được khám chuyên khoa hơn về chức năng vận động, cũng như các phản xạ, cảm giác và dáng đi (cách đi lại). Chụp não (như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp mạch máu cộng hưởng từ) thường được chỉ định trong giai đoạn kiểm tra để xác định sự hiện diện của đột quỵ hay bệnh trong mạch máu.

Một số người có thể được chỉ dẫn để thực hiện siêu âm động mạch cảnh nếu có lo ngại về sự tắc nghẽn trong những động mạch này. Việc được chỉ dẫn đến một chuyên gia để đánh giá các kỹ năng tư duy như ghi nhớ và tốc độ xử lý là quy chuẩn và là một phần quan trọng của việc đánh giá. Bác sĩ chuyên khoa đưa ra tư vấn có thể là bác sĩ tâm thần học hoặc bác sĩ tâm lý học thần kinh. Đánh giá chức năng độc lập là một việc quan trọng để xác định liệu các khó khăn về nhận thức có đang ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày đủ nhiều để chỉ ra chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ hay không. Thay vào đó, các bệnh nhân bị suy giảm nhận thức nhưng vẫn hoạt động như thường ngày có thể được chẩn đoán Suy Giảm Nhận Thức Nhẹ (Mild Cognitive Impairment, MCI).

Nếu kết quả kiểm tra y tế cho thấy người đó mắc bệnh sa sút trí tuệ hoặc MCI do bệnh mách máu não gây ra, thì việc chẩn đoán sẽ được thực hiện và các bước tiếp theo sẽ được thảo luận.

Sa sút trí tuệ não mạch có thể khó phân biệt với các dạng sa sút trí tuệ khác vì các triệu chứng thường có sự trùng lặp. Ngoài ra, nhiều người bị sa sút trí tuệ có thể mắc cả bệnh mạch máu lẫn một bệnh về não khác như Alzheimer hoặc Sa Sút Trí Tuệ Thể Lewy, và từ đó mắc “sa sút trí tuệ hỗn hợp”. Sa sút trí tuệ hỗn hợp có thể ít được chẩn đoán hơn sa sút trí tuệ não mạch hay bệnh Alzheimer, nhưng nhiều nhà nghiên cứu tin rằng căn bệnh này khá phổ biến và cần được chú ý nhiều hơn vì sự hiện diện của nhiều hơn hai loại bệnh trạng liên quan đến sa sút trí tuệ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến não và hoạt động nhận thức so với chỉ một loại đơn lẻ. 

Điều Trị

Không có phương pháp điều trị cụ thể hoặc được chấp thuận đối với sa sút trí tuệ não mạch. Việc kiểm soát các bệnh trạng y khoa ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch được khuyến khích để ngăn chặn sự suy yếu thêm. Ví dụ, các loại thuốc để ổn định huyết áp, cholesterol, bệnh tim và tiểu đường có thể được kê đơn. Aspirin hay các loại thuốc khác có thể được kê đơn để ngăn việc hình thành cục máu đông trong mạch máu.

Một người bị chẩn đoán mắc sa sút trí tuệ não mạch cũng sẽ được khuyến khích kết hợp một lối sống lành mạnh. Một chế độ ăn nhiều hoa quả và rau, cá, hạn chế chất béo và muối là rất quan trọng. Tập thể dục, tránh hút thuốc và uống rượu bia có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ hoặc tổn thương mạch máu não thêm.

Nghiên cứu cho thấy rằng đối với một số người, các loại thuốc hiện có để điều trị bệnh Alzheimer có thể có hiệu quả trong việc điều trị các triệu chứng của sa sút trí tuệ não mạch. Những loại thuốc này có thể làm chậm diễn tiến của các triệu chứng về nhận thức như suy giảm trí nhớ, nhưng thuốc sẽ không chữa khỏi bệnh hay ngăn chặn sự suy yếu thêm. Những loại thuốc này bao gồm một nhóm thuốc được gọi là thuốc ức chế cholinesterase và bao gồm donepezil (Aricept), rivastigmine (Exelon), và galantamine (Razadyne). Điều quan trọng là phải hỏi ý kiến bác sĩ về việc bắt đầu sử dụng các loại thuốc này, vì có những tác dụng phụ thường gặp cần được thảo luận và theo dõi.

Chăm Sóc và Sa Sút Trí Tuệ Não Mạch

Có nhiều cách để giúp người thân trong gia đình hoặc bạn bè của bạn phát huy tối đa sự độc lập và chống chọi với các triệu chứng về nhận thức của sa sút trí tuệ não mạch. Khác với bệnh Alzheimer, những người mắc sa sút trí tuệ não mạch có thể nhớ những điều trong cuộc sống hàng ngày tốt hơn khi có sự lặp lại và bối cảnh. Tương tự như vậy, những gợi ý đơn giản có thể gợi nhắc cho người bệnh khi họ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ. Những thói quen thường ngày có thể sẽ trở nên hữu ích. Các thiết bị và công nghệ hỗ trợ, ví dụ như hộp chia thuốc hay ứng dụng nhắc nhở điện tử trên điện thoại cũng có thể giúp ích.

Chia nhỏ các nhiệm vụ phức tạp—nay đã trở nên quá sức—thành các bước nhỏ và dễ quản lý hơn sẽ giúp người bệnh hoàn thành chúng một cách dễ dàng hơn. Việc đơn giản hóa lời giải thích và hướng dẫn cũng sẽ giúp ích. Khi bệnh có phần nặng hơn, kể cả những công việc nhiều năm trước quá quen thuộc, như cạo râu hay đánh răng, cũng có thể cần phải hướng dẫn lại từng bước.

Các vấn đề về sự chú ý có thể khiến việc tập trung và điều khiển sự tập trung trở nên khó khăn hơn với thành viên trong gia đình bạn. Đảm bảo một môi trường không quá bận rộn hoặc ồn ào sẽ giúp người bệnh dễ dàng tập trung chú ý hơn. Những người bị sa sút trí tuệ não mạch có thể dễ dàng thực hiện các thao tác hơn khi họ chỉ tập trung vào một hoạt động tại một thời điểm, một việc, thay vì phân chia sự chú ý tới nhiều việc. 

Với bệnh sa sút trí tuệ não mạch, các thay đổi trong tâm trạng và tính cách có thể đi kèm với các thay đổi về nhận thức, và thông thường, các thay đổi này khiến người chăm sóc cảm thấy mệt mỏi nhất. Khi hiểu rằng những hành vi này là kết quả của những thay đổi trong não bộ, chứ không phải lựa chọn của một người khỏe mạnh, việc tiếp cận chúng có thể giúp định hướng cách tốt nhất để phản ứng và xử lý các hành vi đó. Một vài lời khuyên cụ thể như:

  1. Xác định những nguyên do có thể gây nên sự thay đổi về hành vi. Xem xét tình huống để xác định liệu có hành vi gây kích hoạt hoặc tiền đề nào dẫn đến sự thay đổi hay không. Ví dụ, hãy xem xét người mắc bệnh sa sút trí tuệ đang được yêu cầu làm việc gì, khi nào, ở đâu, và cùng với ai. Việc này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về phản hồi/phản ứng của họ cũng như giúp bạn xác định các cách để xoa dịu người bệnh và làm giảm các rối loạn trong tương lai. Hãy lưu ý rằng người bệnh có thể sẽ khó thể hiện sự mệt mỏi của mình một cách chính xác nếu họ đang cảm thấy đau đớn hoặc khó chịu. Những người chăm sóc thường có thể coi các hành vi của người bệnh là các dấu hiệu của sự mệt mỏi.

     
  2. Việc cân nhắc đến các mối quan tâm về sự an toàn có thể định hướng cách phản ứng của bạn. Dù nhiều hành vi có thể gây mệt mỏi và khó chịu cho những người chăm sóc, những hành vi đó không hẳn là một mối nguy ngại về an toàn đối với người bị sa sút trí tuệ não mạch. Tuy nhiên, một vài hành vi có thể gây nguy hiểm đến người bị sa sút trí tuệ não mạch và/hoặc người chăm sóc. Ví dụ, có thể cần phải can thiệp ngay lập tức khi người bệnh có tính hung hăng và hay đi lang thang, chẳng hạn như lắp ổ khóa trên cửa và lập kế hoạch an toàn. Có thể tiếp cận các hành vi rối loạn nhưng không nguy hiểm, như việc lặp lại các câu hỏi hay đi đi lại lại, bằng một cách nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như tham gia vào các hoạt động khác để gây phân tâm.

     
  3. Rèn luyện tính kiên nhẫn, thừa nhận, và linh hoạt. Hãy nhớ rằng những cơn bộc phát cảm xúc và thay đổi tính cách là do bệnh não tiềm ẩn chứ không phải là phản ứng hay phản hồi có chủ ý đối với bạn với tư cách là người chăm sóc. Khi các vấn đề về hành vi trở nên quá sức đối với gia đình, tìm kiếm sự giúp đỡ là việc cần phải làm. Các nhóm hỗ trợ người chăm sóc rất hữu ích, ở đó, cung cấp không gian để giải tỏa, thể hiện sự buồn bã và nhận lời khuyên thiết thực từ những người đã trải qua các thách thức tương tự. Tìm hiểu các nguồn chăm sóc tạm thế khác, ví dụ như các chương trình chăm sóc ban ngày dành cho người lớn, cũng có thể có ích, đối với cả người bệnh lẫn người chăm sóc.

     

Nguồn Lực

Family Caregiver Alliance
Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia

(415) 434-3388 | (800) 445-8106
Trang Web: www.caregiver.org
Tài Nguyên: https://www.caregiver.org/vietnamese/
Email: info@caregiver.org
FCA CareNav: www.caregiver.org/carenav
Caregiver Services by State (Dịch vụ Người chăm sóc theo Tiểu bang): https://www.caregiver.org/connecting-caregivers/services-by-state/

Family Caregiver Alliance (FCA) mong muốn nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người chăm sóc thông qua giáo dục, dịch vụ, nghiên cứu và vận động ủng hộ. Thông qua Trung Tâm Chăm Sóc Quốc Gia, FCA cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, chính sách công và những vấn đề về chăm sóc hiện tại, đồng thời hỗ trợ phát triển các chương trình công và tư dành cho người chăm sóc. Đối với những cư dân ở Khu Vực Vịnh San Francisco mở rộng, FCA cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho những người chăm sóc bệnh nhân đột quỵ, mắc bệnh Alzheimer, Hội Chứng Xơ Cứng Teo Cơ Một Bên (Amyotrophic Lateral Sclerosis, ALS), chấn thương sọ não, Parkinson và mắc các chứng rối loạn suy nhược khác gây tổn thương cho người trưởng thành.

Tờ Thông Tin và Lời Khuyên FCA

Tất cả các tờ thông tin và lời khuyên của FCA đều có sẵn trực tuyến tại www.caregiver.org/vietnamese.

Các Tổ Chức và Đường Dẫn Khác

National Stroke Association (Hiệp Hội Đột Quỵ Quốc Gia)
www.stroke.org

Hiệp Hội Đột Quỵ Quốc Gia cung cấp việc giáo dục, thông tin và giới thiệu, cũng như nghiên cứu về đột quỵ cho các gia đình, chuyên gia chăm sóc sức khỏe, và những người khác có quan tâm hoặc bị ảnh hưởng bởi đột quỵ.

American Stroke Association (Hiệp Hội Đột Quỵ Hoa Kỳ)
www.strokeassociation.org

Hiệp Hội Đột Quỵ Hoa Kỳ cung cấp thông tin, các chương trình tài trợ và nhóm hỗ trợ trên cả nước dành cho những người sống sót sau đột quỵ và thân nhân.

American Heart Association (Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ)
www.heart.org

Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ cung cấp việc giáo dục sức khỏe cộng đồng cho các thành viên trong cộng đồng, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và cho các nhà lập pháp và hoạch định chính sách.

National Institute of Neurological Disorders and Stroke (Viện Rối Loạn Thần Kinh và Đột Quỵ Quốc Gia)
www.ninds.nih.gov

Viện Rối Loạn Thần Kinh và Đột Quỵ Quốc Gia hỗ trợ và thực hiện các nghiên cứu cơ bản, tịnh tiến và lâm sàng về khoa học thần kinh thông qua các khoản tài trợ, bỏ thầu, các cuộc họp khoa học, và thông qua nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm và phòng khám của viện.

Tờ thông tin này được soạn bởi Deborah Cahn-Weiner, Tiến Sĩ, Hội Đồng Tâm Lý Học Chuyên Nghiệp Hoa Kỳ (American Board of Professional Psychology, ABPP) và Anneliese Radke, Tiến Sĩ Tâm Lý Học của Trung Tâm Bệnh Alzheimer thuộc Đại Học California, Davis. © 2018 Family Caregiver Alliance. Bảo lưu mọi quyền.